Dvu Cho thuê xe - Đức Vinh chuyên dịch vụ cho thuê xe - Xe du lịch - Xe Cưới giá rẻ
Tư vấn du lịch. Liên hệ Điều Hành: 0243.724.6688 ! Website chính thức http://chothuexe.pro.vn/

Tìm hiểu về thủ tục ăn hỏi miền Bắc

Lễ ăn hỏi là thủ tục không thể thiếu trước khi đám cưới được tổ chức. Ở mỗi vùng miền khác nhau thì thủ tục ăn hỏi lại có những điểm khác biệt riêng. Bài viết này sẽ đề cập chủ yếu về thủ tục ăn hỏi miền Bắc. Các chàng trai hãy nhớ lưu lại để chuẩn bị chu đáo nhất nhé. 



Lễ ăn hỏi là gì? Có ý nghĩa gì? 

Ở Việt Nam, lễ ăn hỏi là nghi lễ không thể thiếu, đây là nghi lễ mà nhà trai mang lễ đến nhà gái để nói chuyện và xin cho con trai mình được kết duyên cùng với con gái của nhà gái. 

Đây là nghi thức cực kì quan trọng, sau khi nhà gái đã nhận lễ vật ăn hỏi của nhà trai thì cô gái sẽ trở thành vợ sắp cưới của chàng trai và hai bên gia đình cũng sẽ thông qua lễ ăn hỏi để bàn bạc, thống nhất các công việc cần chuẩn bị sắp tới cho lễ cưới của hai con. 

Vậy lễ ăn hỏi cần chuẩn bị như thế nào, các công việc và nghi lễ cụ thể ra sao… Mọi người tiếp tục theo dõi nhé. 

Các công việc, lễ vật cần chuẩn bị trước lễ ăn hỏi

Bất kể công việc nào cũng cần có sự chuẩn bị vì thế chuẩn bị cho lễ ăn hỏi cũng rất cần thiết. Sự chuẩn bị của bạn sẽ quyết định lớn đến sự thành công của buổi lễ. 

Trong quá trình chuẩn bị, hãy tìm hiểu thật kỹ về thủ tục ăn hỏi ở miền bắc, hai gia đình thống nhất với nhau về số lượng tráp lễ, thông thường miền bắc số lễ sẽ là số lẻ, có thể là 5 - 7 - 9 hoặc 11. 

NGoài ra, miền Bắc quan niệm số lẻ của tráp lễ tượng trưng cho sự phát triển còn số chẵn tượng trưng cho việc có đôi có cặp, thế nên tráp lễ chuẩn bị là số lẻ còn số lễ trong mâm quả cần chuẩn bị phải là số chẵn đi theo cặp. Ví dụ: cau 100 quả, bánh cốm 100 chiếc, chè 100 hộp. 

Về phần lễ vật: tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình mà lễ vật sẽ được chuẩn bị khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản người miền bắc thường có các lễ vật chính bao gồm: trầu cau, chè thuốc, rượu, hoa quả, bánh phu thê, hoa tươi… Tất cả các lễ vật này được trang trí đẹp mắt, phù hợp với phong tục vùng miền. 



Bên cạnh những lễ vật này thì trong ngày ăn hỏi, nhà trai cần phải chuẩn bị 1 tráp nhỏ gọi là “lễ đen” để trao cho nhà gái như một lời cảm ơn, bày tỏ sự biết ơn vì đã có công nuôi dưỡng cô con dâu tương lai của mình. Lễ đen này được thể hiện bằng tiền mặt, số tiền tùy thuộc vào điều kiện nhà trai. 

Thành phần tham dự lễ ăn hỏi 

Lễ ăn hỏi không cần nhiều người như lễ cưới, thành phần tham dự lễ ăn hỏi thông thường là những người lớn tuổi có khả năng quyết định như: ông bà, bố mẹ hai bên, các bác… hoặc có thể có sự giúp đỡ của bạn bè thân thiết của cô dâu chú rể. 

Ngoài những thành phần chính, nhà trai và nhà gái cần chuẩn bị thêm 1 đội hình bê tráp. Nhà trai là đội hình nam và nhà gái là đội hình nữ tương ứng với số tráp mà nhà trai chuẩn bị. 

Các thủ tục chính trong lễ ăn hỏi 

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các lễ vật theo thủ tục lễ ăn hỏi miền bắc thì chỉ cần đợi đến ngày ăn hỏi đã định để nhà trai lên đường đến nhà gái. 

Một thủ tục trong lễ ăn hỏi: 

  • Nhà trai sắp xếp đội hình nam bê tráp lễ ngay từ phía ngoài. Đi đầu là những người lớn tuổi trong gia đình, tiếp đến là đội bê tráp. 

  • Hai bên tiến hành màn chào hỏi, đội bê tráp nam sẽ trao tráp cho đội nữ bên nhà gái, trao lì xì qua lại để trả duyên cho nhau. Phong bao lì xì hai bên tự chuẩn bị sau khi đã thống nhất số tiền. 

  • Sau khi trao tráp xong, hai bên gia đình sẽ ngồi lại nói chuyện, giới thiệu đại diện các thành viên hai bên gia đình. 

  • Tiếp đến nhà trai sẽ phát biểu lý do đến hỏi cưới cô dâu cho chú rể, đại diện họ nhà gái cảm ơn. 

  • Sau đó thì mẹ cô dâu và mẹ chú rể sẽ cùng nhau mở tráp hỏi mà nhà trai mang đến. Hai bên gia đình sẽ cùng nhau mời nước, nói chuyện và bàn bạc về ngày đám cưới của đôi uyên ương, chuẩn bị cho một lễ cưới hoàn thiện và tránh những sự cố không đáng tiếc xảy ra.

  • Sau khi phần trao lễ xong xuôi, chú rể sẽ được cho phép đón cô dâu xuống để ra mắt hai bên gia đình. Cô dâu khi ra mắt hai họ thì tiến hành chào hỏi, rót nước mời gia đình chú rể và ngược lại thì chú rể cũng sẽ tiến hành rót nước và mời cha mẹ, ông bà phía gia đình của cô dâu.

  • Cô dâu và chú rể thắp hương lên bàn thờ gia tiên của nhà gái để ra mắt chú rể với ông bà tổ tiên họ nhà gái. 

  • Khi các nghi lễ đã xong xuôi, mọi người tiếp tục ngồi lại với nhau để bàn bạc kỹ hơn các vấn đề liên quan đến đám cưới: thống nhất thêm về việc xem ngày cưới, phương tiện đi lại… Thông thường, ngày ăn hỏi nhà gái cũng sẽ chuẩn bị một vài mâm cỗ nhỏ để thiết đãi nhà trai vì thế mọi người có thể bàn công việc trong khi ăn để tăng thêm gắn kết hai bên gia đình. 

  • Cuối cùng: khi nhà trai ra về, nhà gái sẽ trả lại lễ cho nhà trai, phần lễ trả lại phải là số chẵn và dùng tay để xé chứ không được dùng kéo để cắt đồ, đây là lưu ý mà mọi người cần nhớ trong thủ tục lễ ăn hỏi ở miền Bắc

Trên đây là một số chia sẻ về thủ tục ăn hỏi miền Bắc cùng những lưu ý mà mọi người cần phải nhớ để lễ ăn hỏi được diễn ra suôn sẻ nhất.
Chia sẻ bài đăng :